Trời nóng – lạnh nên rất dễ bị nồm, nền nhà lúc nào cũng ướt, đồ đạc ẩm mốc, hỏng hóc rất khó chịu. Ngoài ra trời nồm là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Dưới đây là một số cách thiết kế cho ngôi nhà bạn tránh được nồm.
Ngày nay, khi sửa chữa, tôn tạo các công trình cũ để ngăn ngừa khí ẩm từ đất lên theo các mao quản ở trong tường, người ta đặt các tấm chắn bằng kim loại cứng hoặc khoan các lỗ. Các lỗ này có đường kính 30mm được khoan chếch 30 độ cách nhau 15cm dọc theo bề mặt của tường trên một cốt nhất định và có độ sâu bằng chiều dày của tường trừ đi 8cm. Sau đó, các lỗ được lấp dưới một áp lực bằng loại dung dịch đặc biệt cho đến khi các mao dẫn bão hòa.
Thường thường thì quá trình này cần được thực hiện ít nhất là 3 lần. Sau khi các lỗ đã lấp đầy dung dịch cần được lau sạch. Dung dịch sẽ biến vữa xây trong tường thành hợp chất silic không hoà tan và lắng đọng trong các mao quản làm cho chúng hẹp lại hoặc bị lấp đầy hoàn toàn. Như vậy là lớp chắn mao dẫn sẽ trở thành lớp chống thấm và khí ẩm không còn khả năng thẩm thấu lên trên.
Tham khảo một số biện pháp xử lý chống nồm cho ngôi nhà bạn:
– Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp cát khô dày 200 – 300 mm, có thêm lớp bi tum cao su, xi măng – cát vàng cách nước ngưng tụ, do đó kết cấu sàn có khả năng chống nồm hiệu quả hơn.
– Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt dày 100 – 200 mm
– Mặt sàn bê tông lưới thép mặt Granito 400 x 400 x 20 mm có thêm chân cao 20 mm tạo thành lớp không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn
– Mặt sàn bằng gỗ lim (hoặc gỗ dán, paket…) được đặt trên dầm gỗ cao 20 mm tạo thành kênh không khí kín (20 mm) làm lớp cách nhiệt cho mặt sàn
– Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp polystirol cường độ cao có γ = 35 – 50 kg/m3, dày 20 mm, có 2 lớp cách nước bằng bi tum cao su.
– Sàn nhà được cách nhiệt bằng vật liệu cách nhiệt hỗn hợp: một lớp gạch xốp cách nhiệt γ = 400 – 700kg/m3; λ = 0,08 : 0, 13 kcal/m.h. 0C; dày 20 mm và mọt lớp Polystirol cường độ cao γ = 35 – 50 kg/m3; dày 15 mm, giữa các lớp là keo dán; có một lớp cách nước bằng bitum cao su.
– Mặt sàn bằng bê tông lưới thép mặt granito 400 x 400 x 20 mm. Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp xỉ lò cao dạng hạt có γ = 700 – 900 kg/m3; λ = 0,15 – 0,19 kcal/m.h.0C, dày 100 mm.
– Sàn nhà được cách nhiệt bằng lớp gạch rỗng 4 lỗ chữ nhật có γ = 715kg/m3; độ rỗng > 48%; kích thước 300 x 200 x 105 mm; cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên bằng lớp xi măng – cát vàng, mác > 75, dày 400 mm và lớp bi tum cao su.
Trên lớp đất nện, dưới lớp bêtông gạch đá có thể thêm lớp cát khô đẫm kỹ dày > 100 mm hoặc đá cuội làm lớp đệm của nền để thoát hết nước. Khi thi công chỗ tiếp giáp giữa mặt sàn và tường cần vén thêm lớp xi măng – cát vàng mác cao, hoặc một phần viên gạch lát sàn (cao 100 mm), hoặc lớp sơn bi tum cao su để cách nước mao dẫn từ lòng đất công trình lên ngấm vào kết cấu sàn, tường.
CHIA SẺ CHỐNG NỒM CỦA KIẾN TRÚC SƯ
Sàn nhà tôi tuyệt đối không bị ướt vào mùa gió nồm. Bởi vậy, vợ tôi cảm thấy rất tự hào mỗi khi giao mùa, thấy sàn nhà mình luôn khô ráo trong khi các nhà khác phải đóng kín cửa, sử dụng máy hút ẩm. Các bước làm cụ thể như sau:
- Làm móng âm 70 cm so với cốt sàn dự kiến.
- Đổ 30 - 35 cm cát vàng hạt to, tưới đẫm nước.
- Rải 30 cm xỉ than lên trên.
- Đổ tiếp cát đồng thời tưới nước để cát lấp đầy các khoảng trống của xỉ than, đến khi thấy cát không xuống nữa thì dừng lại.
- Đầm chặt bề mặt sau đó rải vữa cát và xi măng để san mặt bằng càng mỏng càng tốt, khoảng 1-1,5 cm. Lưu ý cát to còn xi măng cho ít nhất có thể. Sau đó, lát gạch, gỗ theo sở thích.
Bạn nên chọn loại gạch không quá nhẵn để chúng có khả năng hút nước tốt. Tuy nhiên, nếu bạn thích gạch men bóng thì vẫn có thể sử dụng. Gia đình tôi chọn gạch 80x80 cm.
Cách làm sàn nhà chống nồm kiểu Pháp.
|
KTS Ngọc Anh cho biết, giải pháp của gia đình anh Trung phù hợp với điều kiện của các ngôi nhà ở phía Bắc, sẽ giải quyết được hiệu quả tình trạng nồm. Dù gia chủ tốn kém công sức và chi phí hơn nhưng đây là công đoạn nhất thiết phải làm.
Kiến trúc sư cho biết thêm, sàn bị nồm thường xảy ra vào dịp đầu xuân, kéo dài vài ngày tới cả tuần. Khi gió nồm ẩm và ấm thổi về, sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ của lớp đất dưới sàn nhà (lạnh) và bề mặt phía trên (ấm hơn). Hơi nước trong không khí ngưng tụ sẽ tạo thành các giọt nước trên sàn. Hiện tượng này giống như khi bạn để cốc nước lạnh trên bàn, sau ít phút, sẽ thấy mặt ngoài có nước đọng.
Các ngôi nhà trước đây ít có hiện tượng này vì dùng tường vôi, mái ngói, nền đất hấp thụ bớt nước. Các công trình Pháp cổ lát gạch hoa nhưng cũng không bị nồm do khâu làm nền cẩn thận. Việc sử dụng lớp xỉ than, cát vàng sẽ làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ nói trên.
Giải pháp của anh Trung theo đúng cách của người Pháp trước đây áp dụng ở Việt Nam. Tùy công trình mà các kiến trúc sư có thể nâng sàn nhà cao hơn, có thể lên tới 1m.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét